Chuông Quy Điền được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu (Một Cột) vào tháng hai năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Để đúc quả chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 12 ngàn cân đồng (tương đương với 7,3 tấn) đồng. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng đó là thành khí, nên không tiêu huỷ, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng Rùa), nhân đó gọi là chuông Quy Điền (theo Nguyễn Văn Tân, tác giả Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam thì lúc đầu chuông có tên là Giác thế. Đúc xong, vì quá nặng không có chỗ treo, buộc phải để úp xuống đất và sau khi được vần ra ruộng Rùa, thì mới có tên chuông là Quy Điền). Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá huỷ để chế súng đạn, hoả khí.
Chuyện kịch kể về nỗ lực của những con dân nước Việt bảo vệ Chuông Quy Điền - một trong Tứ đại khí, bảo bối quốc gia khỏi rơi vào tay nhà Minh. Một cuộc đấu tranh đầy mưu trí và không quản ngại hy sinh để giữ gìn những giá trị tinh thần, những biểu tượng của nền văn minh Đại Việt.